Top 12 loại trái cây đặc sản của Lâm Đồng

Thứ hai - 24/05/2021 20:25
Lâm Đồng là vùng đất thuộc cao nguyên Lâm Viên, xứ sở của rau, hoa và trái cây chất lượng đỉnh cao của Việt Nam

TOP 12 LOẠI TRÁI CÂY ĐẶC SẢN LÂM ĐỒNG
 
Lâm Đồng nổi tiếng với xứ sở có khí hậu mát mẻ, trong lành với nhiều địa điểm du lịch độc đáo và sở hữu một nền ẩm thực phong phú, đa dạng. Khi đến đây du khách sẽ được thưởng thức nhiều loại trái cây và hoa quả thơm ngon. Hãy cùng với Physalisvn khám phá Top 12 loại trái cây đặc sản Lâm Đồng.
 
Top 12 loại trái cây đặc sản của Lâm Đồng
Top 12 loại trái cây đặc sản của Lâm Đồng, Việt Nam

1. Dâu tây 

Dâu Tây có tên khoa học là Fragaria, tên tiếng anh là Strawberry, hay còn gọi là dâu đất, là một chi thực vật hạt kín và loài thực vật có hoa thuộc họ Hoa Hồng (Rosaceae). Dâu tây xuất xứ từ Châu Mỹ và được các nhà làm vườn Châu Âu lai tạo vào thế kỷ 18 để tạo nên giống Dâu Tây được trồng rộng rãi hiện nay. Loài này được (Weston) Duchesne miêu tả khoa học đầu tiên năm 1788.
 
Quả Dâu Tây
Quả Dâu Tây Đà Lạt

Dâu tây được trồng lấy trái ở vùng ôn đới, với mùi thơm hấp dẫn và vị chua, ngọt tự nhiên, nên dâu tây được ưa chuộng trên toàn thế giới. Dâu tây rất giàu vitamin C và flanovoid tốt cho sức khỏe con người. Dâu tây được ăn trực tiếp, trang trí bánh hoặc chế biến mứt, siro, rượu..

Ở Việt Nam, khí hậu mát mẻ quanh năm của vùng đất Đà Lạt nên rất thích hợp cho việc canh tác Dâu Tây. Dâu Tây được xem là đặc sản của Lâm Đồng, và nguồn cung Dâu Tây chủ yếu cho thị trường nội địa Việt Nam. Việc canh tác được thực hiện quanh năm, tuy nhiên chính vụ bắt đầu từ tháng 9 dương lịch hàng năm cho đến tháng 3 năm kế tiếp.

2. Tầm Bóp Nam Mỹ
    

Tầm Bóp Nam Mỹ có tên khoa học Physalis Peruviana, xuất xứ từ Nam Mỹ, được người Inca cổ đại thuần hóa thành cây trồng nông nghiệp từ thế kỷ 18. Loại quả này có nhiều tên gọi khác nhau trên toàn thế giới như: Golden berry (các nước nói tiếng Anh), Uchuva (Colombia), Aguaymanto (Peru), Cape Gooseberry (Nam Phi), Topotopo (Venezuela), Uvilla (Ecuador), Cipplukan (Indonesia). Rasbhari (Ấn Độ), Giant Poha berry (Hawaii), Trái lồng đèn (Lantern fruit) hoặc Hoàng cô nương (Hoang Guniang) hoặc Lồng đèn vàng (Guajindeng) (Trung Quốc), Tầm Bóp Nam Mỹ, Thù lù Nam Mỹ, Lồng Đèn cạnh, Anh Đào Đất, Thòm Bóp, Bồm bộp ..(Việt Nam).
Cây Tầm Bóp Nam Mỹ
Cây Tầm Bóp Nam Mỹ
         
Quả Tầm bóp Nam Mỹ rất
  giàu vitamin A, C, B3 và khoáng như Fe, Ca, K, P, mùi hương đặc biệt khác lạ, vị chua thanh và ngọt. Loại quả này được lọt 1 trong 10 loại trái cây ngon nhất thế giới theo đánh giá của trang Mysterious WorldCây Tầm Bóp thích hợp với nhiệt độ ôn đới, điều hòa cho nên từ khi du nhập về Lâm Đông, Tầm Bóp nhanh chóng thích ứng và trở thành loại cây đặc sản của Lâm Đồng, và cũng chỉ ở Lâm Đồng mới cho ra được chất lượng thơm ngon nhất. Việc gieo trồng diễn ra quanh năm nên Tầm Bóp Nam Mỹ có thể thu hoạch đều 12 tháng. Khu vực trồng chủ yếu nằm ở Đơn Dương, Lâm Hà, Đà Lạt và Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng.


Quả Tầm Bóp Nam Mỹ giàu dinh dưỡng và cũng được xếp vào loại cây có tính dược liệu cao, giúp chống oxi hóa, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa, tim mạch, huyết áp. Thân, lá còn được dùng để trị các bệnh ngoài da, thị lực, tiểu đường, huyết áp cao, hạ sốt. Chính vì đặc tính 2 trong 1 này mà Tầm Bóp Nam Mỹ ngày càng được ưa chuộng trên thế giới. Hàng năm, Nam Mỹ xuất khẩu lên khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu lên đến vài chục ngàn tấn tươi, chưa kể hàng sấy khô, nước ép cung cấp cho ngành bánh kẹo, mỹ phẩm, và nước giải khát.
 
Quả Tầm Bóp Nam Mỹ và các sản phẩm chế biến từ loại quả này
Quả Tầm Bóp Nam Mỹ và các sản phẩm chế biến từ loại quả này
         
Ở Việt Nam quả Tầm Bóp Nam Mỹ cũng đang dần trở nên phổ biến hơn, hiện đã được bán trong các hệ thống siêu thị như co.op mart, Big C, Satra....và xuất hiện trong nguyên liệu pha chế với tần suất ngày càng nhiều.

3. Phúc Bồn Tử
 
Phúc Bồn Tử hay Mâm Xôi Đỏ có tên khoa học Rubus idaeus, tên tiếng Anh là Red Raspberry. Phúc Bồn Tử là cây thuộc họ dâu, thân gỗ lâu năm, quả có màu đỏ , vị chua ngọt, chứa nhiều vitamin C, Mangan và giàu chất xơ, chỉ số đường huyết thấp và không chứa tinh bột. Phúc Bồn Tử có mùi thơm, vị chua và ngọt chủ yếu phục vụ cho thị trường trái cây, ăn tươi hoặc làm đông lạnh, hoặc làm Puree đông lạnh, nguyên liệu cho pha chế, bánh kẹo, mứt và rượu. 
 
Phúc Bồn Tử
Quả Phúc Bồn Tử
  
Phúc Bồn Tử được trồng ở Đà Lạt, Lạc Dương và Đơn Dương của Lâm Đồng. Chủ yếu trồng trong nhà kính và cho thu hoạch quanh năm. Tuy nhiên, vì rất khó trồng và nhạy thời tiết cho nên Phúc Bồn Tử đang tiêu thụ ở Việt Nam chủ yếu là hàng nhập khẩu từ Châu Âu, hàng tươi nội địa sản lượng còn hạn chế. Chính thế mà Phúc Bồn Tử nghiễm nhiên trở thành một đặc sản của Lâm Đồng hiện nay, bán với giá khá đắt đỏ từ 400.000đ - 600.000đ. Lá mâm xôi được sử dụng tươi hoặc khô trong các loại trà thảo mộc, đem lại hương vị the mát.
 
4. Mâm Xôi Đen
 
Mâm Xôi Đen có tên khoa học là Rubus occidentalis, tên tiếng Anh là Black Raspberries, phổ biến ở Bắc Mỹ, du nhập vào Việt Nam khoảng từ năm 2010, phát triển tại Đà Lạt từ đó đến nay. Mâm Xôi Đen là cây thân gỗ lâu năm, quả giàu vitamin C, Authocyanins và axit ellagic nên tốt cho sức khỏe con người. Ứng dụng của Mâm Xôi đen tương tự Phúc Bồn Tử, ăn tươi, đông lạnh, chế biến mứt, nước ép, siro, rượu vang.. rất thơm ngon. Vì thế Mâm Xôi Đen đã trở thành một món đặc sản không thể thiếu của Lâm Đồng.
 
Quả Mâm Xôi Đen
Quả Mâm Xôi Đen

Mâm Xôi Đen hiện nay chỉ được trồng ở Lạc Dương, Đà Lạt và Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng, chủ yếu trồng trong nhà kính và cho thu hoạch quanh năm. Vì mức độ hiếm, ngon và khó bảo quản của loại quả này, nên giá bán của Mâm Xôi Đen ngoài thị trường cũng khá cao, khoảng 300.000đ - 400.000đ/kg.
 
5. Bơ 034 
           
Bơ 034 thuộc dòng bơ sáp, giống bản địa của Việt Nam, được thấy đầu tiên ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng năm 2016 do anh nông dân Nguyễn Văn Dậu mang đi tham dự trong một cuộc thi về nông nghiệp, do số thứ tự anh là 34 nên đặt tên giống là 034.

Đặc điểm nhận biết bơ giống 034 như sau: Trái có màu xanh bóng, cơm vàng, hạt bé, dài 25-35cm, chất lượng khi trái bơ chín thì rất dẻo thơm, không dây, da vẫn xanh, ruột vàng và bảo quản được lâu. Hiện nay, giống bơ này đã được phát triển ở nhiều khu vực, tuy nhiên chất lượng bơ ngon nhất vẫn nằm ở khu vực huyện Bảo Lâm, Lâm Hà và Bảo Lộc.

 
Quả Bơ 034
Quả Bơ 034

Trong trái bơ chứa gần 20 loại vitamin và khoáng chất như kali, lutein và folate, ít đường và giàu chất xơ. Bơ 034 bổ dưỡng, lành mạnh cho tim mạch, tốt cho đường tiêu hóa và chất béo của bơ bổ trợ cho việc hấp thu dinh dưỡng từ những loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác.
 
6. Dâu tằm
 
Dâu Tằm có tên khoa học là Morus alba L. Morus acidosa, thuộc họ Moraceae, tên tiếng Anh Mulberry, có tên khác như dâu cang, tầm tang là cây thân gỗ nhỏ, chiều cao trung bình khoảng 3m. Quả Dâu Tằm khi còn non có màu trắng xanh, khi chín có màu đỏ hồng hoặc đen.
 
Quả Dâu Tằm
Quả Dâu Tằm

Quả Dâu Tằm không chỉ có vị chua, ngọt ăn khá ngon thì quả dâu tằm cũng có nhiều thành phần dưỡng chất có lợi cho sức khỏe như acid hữu cơ, Vitamin B1, C, Fe, chất chống oxy hóa và chất xơ. Theo đông y, quả dâu chín còn được gọi với cái tên là tang thầm có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ huyết, bổ can thận, nhuận tràng, giải khát.

Cây dâu tằm là loại cây ưa ẩm và sáng thường được trồng ở những nơi như bãi sông, đất bằng, cao nguyên...loại cây này thường thu quả chín vào tháng 5 đến tháng 7 hàng năm, quả hái khi ngả màu đen và được dùng tươi hay khô. Ở Lâm Đồng, diện tích trồng Dâu Tằm lấy quả tập trung chủ yếu ở Đức Trọng, Đơn Dương và Đà Lạt.

 
7. Sầu Riêng (Durian)
 
 Sầu riêng có tên khoa học là Durio, tên tiếng anh là durian là một chi thực vật thuộc họ Cẩm Quỳ. Quả sầu riêng được nhiều người Đông Nam Á xem như là "vua của các loại trái cây". Quả có kích thước lớn, mùi mạnh, nhiều gai nhọn bao quanh quả. Tùy từng giống mà quả có hình dáng từ thuôn dài đến tròn, màu vỏ từ xanh lục đến nâu, màu thịt quả từ vàng nhạt đến đỏ.
Quả sầu riêng chín
Quả sầu riêng chín

Sầu riêng có nguồn gốc từ Đông Nam Á, được thế giới phương Tây biết đến khoảng 600 năm. Vào thể kỷ XIX, nhà tự nhiên học người Anh Alfred Rusel Wallace đã mô tả thịt của nó như là "một món trứng sữa nồng hương vị hảo hạng hạnh nhân". Có thể ăn thịt quả ở các độ chín khác nhau, và được sử dụng để tạo hương vị cho nhiều loại món ngọt và món mặn trong ẩm thực Đông Nam Á. Hạt sầu riêng cũng có thể ăn khi nấu chín và có thể gây đầy hơi. Sầu riêng là một loại trái cây cực kỳ bổ dưỡng nhờ rất giàu vitamin C, B1, B2, B3, B6, B9 và khoáng chất K, Mg, Mn, Cu trong thịt quả. Có khoảng 30 loài sầu riêng được xác định, ít nhất  có 9 loài trong số đó có quả ăn được.

Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 10.000 hecta sầu riêng, trong đó hơn 60% đang cho thu hoạch, diện tích còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Diện tích này trải dài từ huyện Cát Tiên, Dateh, Dahuoai, Bảo Lộc lên tới Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà.

    
8. Nho Thân Gỗ 

Nho thân gỗ có tên khoa học là Plinia cauliflora, tên khác là Jabiticaba, là một thực vật trong họ Đào kim nương (Myrtaceae). Loài này được Carl Friedrich Philip von Martius miêu tả khoa học đầu tiên năm 1823 dưới danh pháp Myrtus cauliflora.
 
Cây nho thân gỗ nhiều tuổi
Cây nho thân gỗ nhiều tuổi

Nho thân gỗ là loài cây quý hiếm, thân gỗ, lâu năm, cao khoảng 6m và đường kính cây khoảng 10-30 cm. Cây có nhiều nhánh và ngọn hướng lên trên. Hoa nhỏ màu trắng, mọc ở thân cây. Quả có kích thước tương đương quả mận, mọc chi chít trên thân cây và cành cây. Ban đầu quả có màu xanh, sau đó chuyển sang hồng và chín thì chuyển dần sang màu tím. Quả có vị nho, nhiều nước và có thể ăn ngay khi hái, hoặc làm mứt hoặc làm rượu trái cây. Quả khô có thể dùng để chữa bệnh hen và tiêu chảy. Trung bình 8-9 năm cây mới cho trái, cây càng già càng nhiều trái. Cây giống được trồng khoảng từ 5 tháng tuổi trở lên, thích hợp khí hậu nóng ẩm.
 
Quả nho thân gỗ chín
Quả nho thân gỗ chín


Nho thân gỗ du nhập vào Việt Nam từ năm 2011, hiện nay được trồng ở Bảo Lộc, và Bảo Lâm ở Lâm Đồng. Nho thân gỗ có nhiều giống khác nhau: giống thường, Tứ Quý và Nam Mỹ, tuy nhiên trồng để thương mại thì nên chọn giống Tứ Quý để cho sản lượng cao và nhanh cho trái. Với mùi vị thơm ngon và quý hiếm đã khiến nho thân gỗ có giá không rẻ ngoài thị trường và nhắc đến Lâm Đồng nếu bỏ qua loại quả này là một thiếu xót.
  
9. Dứa Mật Đơn Dương

Dứa mật có tên khoa học là Ananas comosus sousvar - Singapor Spanish, loại này hiện nay được trồng ở Đơn Dương, Lâm Đồng với chất lượng hảo hạng cho nên thị trường xuất hiện một tên riêng là Dứa mật Đơn Dương, ý chỉ loại dứa được trồng ở vùng đất này là ngon nhất Việt Nam. Tuy nhiên, giống dứa này được mang đi trồng ở nhiều nơi như Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, các tỉnh Tây Nguyên... tuy nhiên chất lượng các nơi khác không bằng trồng ở Lâm Đồng.

 
Quả dứa mật Đơn Dương chín
Quả Dứa mật Đơn Dương chín

Trong quả dứa có hàm lượng axit hữu cơ cao, là nguồn cung cấp Mn, K và Vitamin C, B1 dồi dào. Lượng enzym bromelain có thể phân hủy protein do vậy quả dứa được sử dụng trong chế biến món ăn ở khâu ướp thịt hoặc nấu chung với nguyên liệu để thịt mau mềm và có hương vị đặc trưng. Dứa mật Đơn Dương đặc biệt hơn các loại dứa khác là mọng nước, độ ngọt cao và thơm ngon đặc trưng. Một năm chỉ có một mùa từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch. 
 
10. Chuối Laba

Chuối Laba là chuối bản địa của Lâm Đồng, thuộc họ chuối Tiêu (Cavendish AAA), hiện có 2 dòng chính: dòng thân trắng và dòng thân tím. Cây chuối cao từ 3-3,5m, mỗi buồng có khoảng từ 10-12 nải, trọng lượng trung bình từ 40-50kg.

 
Chuối Laba còn xanh
Chuối Laba đến tuổi thu hoạch

Cuối thế kỷ 19 khi người Pháp khai phá vùng cao nguyên Lâm Viên, họ gọi khu vực Phú Sơn, huyện Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng bây giờ là Laba, khi họ phát hiện ở vùng Laba này có một loại chuối đặc biệt thơm ngon, độ dẻo, ngọt hoàn toàn khác biệt so với các giống chuối khác cho nên họ đã đặt tên cho giống chuối bản địa này là Laba và nhân rộng diện tích lên tại các vùng ven ngoại ô của Đà Lạt. Người dân vùng Phú Sơn vẫn quen gọi chuối Laba là chuối Dạ Hương, và chia thành 2 dòng nhỏ là Dạ Hương cao và Dạ Hương Cùi.
 
Chuối Laba chín
Chuối Laba chín

Chuối Laba cho thu hoạch quanh năm, hiện được trồng nhiều ở Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng. Khách du lịch khi đến Lâm Đồng dễ dàng mua được loại quả này ở hầu hết các khu chợ hoặc quầy bán trái cây nào ở tại Đà Lạt. Chuối Laba từ lâu đã trở thành món đặc sản không thể thiếu của Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. Và chất lượng dẻo thơm đặc biệt của loại chuối này cũng hoàn toàn xứng đáng với danh xưng "vua của các loại chuối tại Việt Nam".
 
11. Quả Hồng
 
Quả Hồng là một loại cây ăn trái thuộc chi Thị (Diospyros). Quả Hồng có sắc vàng đến đỏ cam tùy theo giống, dáng quả hình cầu hoặc cù, hay dạng quả cà chua bẹp.
 
Vườn quả Hồng Mòng tại Đà Lạt
Vườn quả Hồng Mòng tại Đà Lạt

Loại Hồng đang trồng phổ biến ở Đà Lạt hiện nay là giống (Cultivar) Hồng mòng (Hachiya) với lượng tanin cao nên còn xanh vị chát, phải đợi thật chín mới ăn được. Để làm chóng chín, hồng mòng thường được đem ủ để ép chín, hoặc ngâm nước vôi để trái hồng biến chất mất vị chát. Loại này chúng ta thường thấy bán rất nhiều dọc đường lên Đà Lạt và khắp nơi khi mùa hồng rộ vào cuối năm.
 
Quả Hồng treo - sấy gió
Quả Hồng Treo - Sấy gió

Loại thứ hai cũng đang được trồng rộng rãi ở khu vực Đà Lạt và Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng là giống Hồng Giòn (Fuyu) có dáng hình bẹp. Lượng tanin tuy không kém hồng mòng nhưng trong quá trình chuyển từ xanh sang chín, giống hồng giòn mất tanin rất nhanh nên trái có thể ăn được sớm hơn khi còn giòn. Quả hồng có thể ăn tươi hoặc phơi khô, sấy gió.. sản phẩm hồng sấy gió cũng đang là một đặc sản trứ danh của Đà Lạt.
 
Quả Hồng Giòn
Quả Hồng Giòn

 

12. Chanh Dây 
 
Chanh dây có tên khoa học là Passiflora edulis, tên tiếng anh là Passion fruit, là một loài dây leo thuộc họ Lạc Tiên (Passufloraceae). Loài cây này có nguồn gốc Nam Mỹ nhưng hiện nay đã phổ biến nhiều nơi trên thế giới, phù hợp với vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới. Ở Lâm Đồng đang phổ biến 2 dòng: chanh dây tím và chanh dây vàng. Sản lượng chanh dây tím chiếm đa số phục vụ xuất khẩu, trái cây nội địa và làm dịch chanh dây cung cấp cho các nhà máy giải khát. Khu vực trồng chủ yếu ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng. 
Chanh dây Tím và chanh dây vàng
Chanh Dây Tím và Chanh Dây Vàng

Trong chanh dây rất giàu vitamin C, Fe và K, đồng thời vị chua và hương thơm thanh mát rất thích hợp trong các dòng giải khát hoặc ăn tươi trực tiếp. Đặc biệt nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, trong chanh dây rất giàu hàm lượng Polyphenol (một loại vi chất giúp trẻ hóa), hàm lượng này vượt xa rất nhiều loại trái cây khác, cho nên chanh dây luôn là mặt hàng được tìm kiếm nhiều trên thị trường kể cả nội địa và nước ngoài. 
 
Vườn chanh dây tím
Vườn Chanh Dây Tím Quế Phong - Đơn Dương

Chanh dây ngon nhất ở Lâm Đồng hiện nay là giống Quế Phong và được trồng tại khu vực Đơn Dương, Lâm Đồng. Rất nhiều công ty xuất khẩu tìm kiếm loại này từ các nhà cung cấp tại Đơn Dương, tuy nhiên sản lượng chỉ có hạn và thất thường theo mùa vụ và tình hình dịch bệnh. Thế nên nhắc về trái cây Lâm Đồng, không thể không nhắc đến Chanh Dây Tím Quế Phong trồng ở Đơn Dương.
 

 

Tác giả bài viết: Gia Định

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Copyright © 2015 Physalisvn.com . All rights reserved

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây